NƯỚC MẮM PHÚ QUỐC - "LẶNG LẼ" MỘT BÁU VẬT



title
Mặc dù là sản phẩm đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý (GIS - Geographic Information System), là một “báu vật” của ẩm thực Việt Nam thế nhưng có một thực tế là ngay trên đất Mẹ, những giá trị chân chính của nước mắm Phú Quốc vẫn chưa thực sự được nhiều người tiêu dùng nội địa hiểu rõ.

Phương pháp truyền thống, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên

Cá: nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm than, phấn, sọc tiêu sinh sống ở quanh vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang và yêu cầu độ thuần cao, cá tạp không vượt quá 10%. Ước tính sản lượng cá cơm nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất nước mắm Phú Quốc là khoảng 40.000-50.000 tấn/năm, có khi không đủ cho các nhà thùng trên đảo Phú Quốc sản xuất nước mắm. Cá cơm được đánh bắt từ tháng 8 đến tháng 11, khi con cá đạt chất lượng thịt tốt nhất. Cá được súc rửa và ướp muối ngay ngoài khơi, để đảm bảo màu sắc nước mắm thành phẩm được tươi đẹp và độ đạm cho ra cao nhất có thể.



Nước mắm Phú Quốc phải được sản xuất từ con cá cơm quanh vùng biển Phú Quốc (Ảnh: nguồn Internet)


Muối: chỉ có muối biển Bà Rịa - Vũng Tàu mới cho ra được những giọt nước mắm đậm đà vì muối biển ở vùng này có độ kết tinh cao, tỷ lệ tạp chất thấp. Bản thân muối Bà Rịa cũng là một sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu do có những tính chất ưu việt về chất lượng. Tuy nhiên, để muối lắng đọng và loại bỏ tạp chất, nhà thùng sản xuất nước mắm Phú Quốc phải giữ nguyên tắc trữ muối trong kho từ 3 - 6 tháng.

Thùng ủ chượp: phải được làm từ gỗ bời lời, vên vên hoặc cây chai vì đây là những loại gỗ bền, lành tính, mềm dẻo, và không làm ảnh hưởng đến mùi vị của nước mắm trong suốt thời gian ủ chượp. Sau khi được trộn với muối theo tỉ lệ bắt buộc, cá được ủ trong các thùng gỗ chuyên dụng này để lên men tự nhiên trong 12 -14 tháng. Dòng nước mắm rút ra lần đầu tiên, chính là “mắm cốt”, có giá trị cao nhất. Loại nước mắm này nếu không sử dụng các chất định vị, định mùi, định màu, chất bảo quả thì chính là “thượng hạng”.

Trong toàn bộ quy trình, để được đánh giá và công nhận là sản xuất nước mắm Phú Quốc “chính hiệu”, cơ sở sản xuất phải đăng ký trước với Ban kiểm soát của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc về các nguyên tắc của chỉ dẫn địa lý.

Đạt được các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế

Để được công nhận là “Nước mắm Phú Quốc”, các nhà thùng làm nước mắm phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn rất khắt khe ở chuẩn mực quốc tế. Theo một vị lãnh đạo của Hội nước mắm Phú Quốc cho biết: “Để được đăng bạ chỉ dẫn địa lý ở Châu Âu, Hội nước mắm Phú Quốc cũng đã phải trải qua một quá trình hết sức vất vả vì nhiều lí do trong đó có việc chứng minh cho đối tác chất lượng của sản phẩm”.

Ngày 24/02/2016, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã công bố 05 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm Phú Quốc được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (EU).

Nước mắm Phú Quốc là kết tinh của giá trị truyền thống với chuẩn mực chất lượng an toàn thực phẩm hiện đại ở tầm quốc tế. Và chính những yêu cầu khắt khe của khoa học hiện đại đã “thêm thắt” cho chai nước mắm Phú Quốc một số chi tiết như chiếc nút nhựa nguyên sinh chống trào ngược (không sử dụng nhựa tái chế để đảm bảo ATVS và bảo vệ môi trường), chai thủy tinh (để bảo đảm hương vị và chất lượng của sản phẩm tốt hơn chai nhựa), tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng đầu tư về mặt này).

Thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” không của riêng một nhà sản xuất nào mà là tài sản chung của đất mẹ Việt Nam, là đặc sản chỉ riêng có ở đảo Phú Quốc, nơi môi trường trong sạch, nguyên sơ, với nguồn cá cơm đặc biệt.

Để đảm bảo cho chất lượng bữa cơm gia đình thì việc dành ít phút nghiên cứu thêm về loại gia vị đậm đà, giá trị này là sẽ là một sự “đầu tư” có ích của mỗi người tiêu dùng thông minh.

(Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/nuoc-mam-phu-quoc-lang-le-mot-bau-vat-20160721111200629.htm)